loader image

Phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành dừa Bến Tre

2

Dừa Bến Tre là 1 trong những cây nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre. Những dòng sản phẩm từ dừa Bến Tre nổi bật nên sự khác biệt, mới lạ với nhiều chủng loại. Nào là những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu ăn uống như: kẹo dừa, mứt dừa, dừa sấy, nước cốt dừa… Cho đến mỹ phẩm, làm đẹp như: mặt nạ từ dừa, dầu dừa, son dưỡng, dầu gội, xịt chống muỗi, tinh dầu… Hay những dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: chén gáo dừa, đũa gỗ dừa, ly cafe, giỏ xách, đèn lồng, lộc bình, bộ ấm trà…, rồi than hoạt tính làm từ gáo dừa, xơ dừa… Tất cả những dòng sản phẩm sáng tạo từ dừa đều phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của con người.

Dừa có tên khoa học: Cocos nucifera. Dừa hay cọ dừa, là một loài cây trong họ Cau. Nó cũng là thành viên duy nhất trong chi Cocos là một loại cây lớn, thân đơn trục có thể cao tới 30 m, với các lá đơn xẻ, cuống và gân chính dài 4–6 m các thùy với gân cấp 2 có thể dài 60–90 cm, lá thường biến thành bẹ dạng lưới ôm lấy thân.

Trong quả dừa chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng, đa dạng các loại vitamin tốt cho sức khoẻ như: Cacbonhydrat: đường, chất xơ; Chất béo: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa; Chất đạm; Các vitamin: A, B (1, 2, 3, 5, 6, 9 ), C; Chất khoáng: kali,canxi, magie, kẽm, photpho…

Dựa theo tính chất, hình dạng có những loại dừa như sau: Dừa xiêm: trái nhỏ, vỏ xanh, nước ngọt; Dừa nếp: trái có màu vàng, xanh, nhỏ; Dừa bị: trái to, vỏ xanh; Dừa sáp: có cơm dừa xốp, béo, như bột nhào sệt; Dừa dứa: trái nhỏ, vỏ xanh, khi uống nghe mùi giống dứa; Dừa dâu: trái nhỏ, màu hơi đỏ….

3

 

4

 

Ngoài năng suất ra trái vượt trội hơn hẳn so với các vùng khác, chất lượng dừa của Bến Tre được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao: vỏ dừa dày – cho sản phẩm than hoạt tính tốt nhất, nhiều chất hữu cơ, sợi xơ dừa bền hơn, cơm dừa béo hơn và nước dừa ngọt hơn. Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng, ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre đã có sự phát triển khá nhanh và toàn diện, sản phẩm ngành dừa đa dạng và được chế biến ở nhiều cấp độ.

Các sản phẩm chế biến từ dừa được chia thành 2 nhóm: nhóm chế biến tinh (kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa đóng hộp lon, nước dừa đóng hộp, bột sữa dừa, than hoạt hoạt tính, dầu dừa nguyên chất, mặt nạ từ thạch dừa có giá trị cao) và nhóm chế biến thô (dầu dừa thô, thạch dừa thô, chỉ xơ dừa, các sản phẩm từ chỉ, than thiêu kết). Ngoài các sản phẩm chế biến, Bến Tre còn nổi tiếng về sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa (gỗ dừa, gáo dừa, xơ dừa, cọng dừa, trái dừa).

Tính đến tháng 6/2023, giá trị sản xuất ngành chế biến dừa ước đạt 1.880 tỷ đồng, tăng 4,44% so với cùng kỳ, chiếm 9,74% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Toàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động rất khác nhau, có khả năng chế biến toàn bộ sản lượng dừa Đồng bằng sông Cửu long.

5 1

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất; đẩy mạnh chế biến sâu nhằm cho ra thị trường nhiều sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao và rất được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Phát triển nhiều sản phẩm mới mang lại giá trị cao cho ngành công nghiệp chế biến dừa và đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng, thân thiện môi trường: dầu dừa tinh khiết (VCO), mặt nạ dừa, nước rửa tay dưỡng da từ dầu dừa, sản xuất giấy từ tàu dừa làm bao bì, giỏ xách, trang trí nội thất, tranh nghệ thuật, thư pháp… thay thế các loại sản phẩm bằng nhựa, nylon; những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe: mật hoa dừa và từ mật hoa dừa có thể chế biến thành các sản phẩm như đường, giấm, rượu vang, rượu cao độ, thức uống nhẹ,… phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện nay.

6

 

Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030, trong đó, dừa được xác định là cây trồng chính. Cụ thể, Bến Tre đặt mục tiêu đến 2025, phát triển 20.000 ha vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và 100 ha dừa uống nước, tập trung liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri.

Tham gia chuỗi giá trị dừa hữu cơ, có nhiều HTX bước đầu đã hợp tác khá tốt với các doanh nghiệp Công ty TNHH chế biến dừa Lương Qưới, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Dừa xanh, Công ty cổ phần chế biến Dừa Bến Tre… Qua liên kết với doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân đã xây dựng được vườn dừa hữu cơ phục vụ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

Trong đó, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Công bằng Hưng lễ (xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Châu Hòa (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm), HTX Nông nghiệp Định Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam), đã được Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) ký hợp đồng liên kết, canh tác theo mô hình vườn dừa hữu cơ (mỗi HTX hiện có từ 120 – 160ha vườn dừa hữu cơ từ liên kết với thành viên). Các công ty này cũng đã lựa chọn để đầu tư, hỗ trợ xây dựng điểm sơ chế dừa hữu cơ tại HTX, tạo việc làm, thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/năm cho 40 – 60 thành viên và lao động nhàn rỗi tại địa phương.

7

Ông Nguyễn Bảo Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho hay, công ty dự kiến đến năm 2025 sẽ phát triển vùng sản xuất dừa hữu cơ lên 10.000 ha và luôn đảm bảo giá cả thu mua cho người dân cao hơn thị trường từ 15-20%.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, sau thời gian xây dựng chuỗi giá trị dừa, đến nay toàn tỉnh 32 tổ hợp tác và 28 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của 9 doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa. Từ những mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp này mà hàng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Việc xây dựng chuỗi giá trị dừa hữu cơ có ý nghĩa rất lớn, nhất là có thể liên kết những hộ sản xuất nhỏ để hình thành sản xuất lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Qua sản xuất dừa hữu cơ, giá trị sản xuất được tăng lên, các doanh nghiệp tạo được chỗ đứng rất tốt trong thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu khó tính.

8

 

Bến Tre là thủ phủ dừa của cả nước với diện tích hơn 78.000 ha, sản lượng sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm khoảng 352 triệu trái dừa đạt khoảng 688.000 tấn. Trong đó, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị của tỉnh Bến Tre trên 23.700ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt trên 230.000 tấn/tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh. Tổng diện tích dừa hữu cơ trên 18.000ha và diện tích đạt chứng nhận 11.630ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật và EU.

Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt trên 420 triệu USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Để đạt được điều này, thời gian tới, tỉnh nêu ra giải pháp là thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương. Hiện nay, sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Trung Đông.

Trong thời gian gần đây, định hướng mở cửa xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc đã tạo thêm động lực mới cho ngành dừa, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia xây dựng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để đạt được những thành quả nổi bật nêu trên là nhờ vào các chủ trương, định hướng đúng đắn, kịp thời của tỉnh, sự chung tay góp sức của các địa phương, doanh nghiệp và người trồng dừa trên địa bàn tỉnh đã tham gia xây dựng các chuỗi liên kết tiêu dừa tại địa phương.

Nhằm mở rộng thêm thị trường xuất khẩu dừa, Ngành Công  Thương Bến Tre đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp dừa nói riêng thông tin đăng ký tham dự các đoàn giao dịch thương mại tại các nước Thỗ Nhĩ Kỳ, Israel, Nam Phi, Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản… Qua đó, giúp doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ và làm việc với một số nhà phân phối lớn tại các thị trường nước ngoài nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Dừa Bến Tre

Song song với việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương Bến Tre còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và doanh nghiệp ngành dừa nói riêng tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước thông qua tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh.

Mặt khác, Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch và mời gọi đầu tư các dịch vụ logictics, kho bãi, bảo quản, cấp đông các sản phẩm từ dừa; thực hiện các chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nâng cao giá trị sản phẩm từ dừa, hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, Hiệp hội dừa Bến Tre cũng tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, có hiệu quả cao, nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm giữ ổn định thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới trong điều kiện hội nhập. Liên kết, trao đổi thông tin chặt chẽ với cộng đồng dừa quốc tế trong sản xuất, tư vấn phòng trừ dịch bệnh và những khó khăn trong chuỗi cung ứng.

Nguồn: tapchicongthuong.vn

Để lại một bình luận